Tóm tắt: |
- Chỉ số SXCN trong tháng 1/2024 giảm 4,4% so với tháng 12/2023 nhưng đã tăng tới 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số SXCN của phần lớn các ngành khác nhau đã ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ, đặc biệt ở các ngành xuất khẩu. Với chỉ số PMI đã tăng trở lại lên trên ngưỡng 50 điểm, chúng tôi cho rằng triển vọng sản xuất sẽ tiếp tục khởi sắc trong các tháng tới;
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (TMBL) trong tháng 1/2024 ước đạt 524,12 nghìn tỷ đồng, tăng 8,11% YoY và 1,58% MoM. Tăng trưởng tiêu dùng vẫn còn gặp khó khăn khi chỉ số sử dụng lao động trong ngành công nghiệp vẫn đang ở mức thấp, ảnh hưởng tới thu nhập của người dân;
- Về đầu tư công, vốn đầu tư từ NSNN trong tháng 1/2024 đạt 31.119 tỷ đồng, tăng 15,56% YoY và giảm 59,77% MoM. Lượng giải ngân trong tháng đầu tiên của năm mới đã hoàn thành 4,3% kế hoạch cả năm. Với số lượng dự án lớn đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, có kế hoạch triển khai cụ thể và đã qua các khâu chuẩn bị như hoàn thành hồ sơ và giải phóng mặt bằng trong các năm trước, chúng tôi cho rằng việc giải ngân đầu tư công sẽ diễn ra thuận lợi trong năm nay, và kỳ vọng sẽ hoàn thành 95-100% kế hoạch đặt ra từ đầu năm;
- Chỉ số CPI tăng 3,37% YoY trong tháng 1 và 0,31% MoM. Áp lực lên lạm phát đã có phần giảm bớt, khi chỉ số CPI cơ bản đã tăng ở mức thấp nhất trong khoảng 1 năm rưỡi trở lại đây. Trong khi đó, áp lực từ giá gạo, học phí, giá thuê nhà vẫn còn đang rất lớn. Dù vậy, nhìn chung, chúng tôi cho rằng lạm phát trong năm 2024 sẽ vẫn trong tầm kiểm soát, dự báo tăng dưới 4%, thấp hơn mục tiêu Chính phủ đặt ra (4-4,5%);
- Tính tới ngày 30/1/2024, đồng VND giảm 0,59% so với đồng USD. Tỷ giá vẫn đang chịu áp lực từ biến động của đồng USD, nhưng rủi ro không lớn như 2 năm 2022-2023 và chỉ mang tính chất ngắn hạn. Áp lực lên tỷ giá sẽ giảm bớt khi kế hoạch hạ lãi suất của Fed rõ ràng hơn.
.……………………………………………………………………………
Chi tiết trong báo cáo đính kèm.
kinh-tế-vĩ-mô-tháng-12024.pdf
|